Cai nghiện, cai cai nghiện… để tập trung làm việc cần làm và bình an hơn
Đời là game và mọi người đều đang nghiện 1 số thứ gì đó trong game, đều đang ‘si mê’ thứ gì đó, vật chất, tinh thần hay tâm linh.
Danh sách những thứ mà ta có thể đang muốn làm hoặc đạt được:
[tồn tại, đồ ăn, thức uống, quần áo, tiền, tình yêu, gia đình, tài sản (nhà, xe, trang sức,…), địa vị, quyền lực, sức khỏe tốt, kiến thức, trí tuệ, hạnh phúc, bình an, làm sạch aura, xuất thần, thăng thiên, du hành xuyên các chiều không gian, khai thông các chakras, kích hoạt kundalini, mở con mắt thứ 3, nhận thức toàn thể vũ trụ, toàn thiện, toàn năng, toàn tri, ….]
Những nơi chốn trên thế giới hay cõi giới trong truyền thuyết mà ta có thể đang muốn đến:
[các địa điểm du lịch nổi tiếng của châu Á, Âu, Mỹ…, mặt trăng, các vì sao hay hành tinh xa xôi nào đó… Atlantis, Asgard, vườn Địa Đàng, 5D, thiên đàng, niết bàn, tịnh độ…]
Có thiếu gì thì tự thêm vào danh sách.
Nội dung chính của bài viết
- Tại sao ta muốn thứ A và không muốn thứ B?
- Cỗ máy con người không thể làm gì khác ngoài tìm sướng tránh khổ.
- Con người không được sinh ra để thỏa mãn và hạnh phúc.
- Bản chất của thực tại là vô thường, vô ngã, khổ.
- Trải nghiệm chỉ có thể gây nghiện khi ta khái niệm hóa nó, biến nó thành 1 thực thể.
- Lợi ích rõ ràng nhất của việc cai nghiện là, ta có thể tập trung hơn để làm việc cần làm.
- Nhưng cai nghiện rồi thì làm gì?
Tại sao ta muốn thứ A và không muốn thứ B?
Bởi vì thứ A có ý nghĩa gì đó với ta, trong khi thứ B thì không.
Bởi vì ta hạnh phúc khi sống với những thứ có ý nghĩa với bản thân.
Hình tướng và đối tượng của hành động thì có vô vàn, nhưng thứ duy nhất ta đang làm là tìm sướng tránh khổ.
Cỗ máy con người không thể làm gì khác ngoài tìm sướng tránh khổ.
Ta bỏ nhậu nhẹt, quay tay, lướt social media vô tội vạ… để làm gì?
Có phải bởi vì ta cho rằng đây không phải là những phương pháp tìm sướng tránh khổ đúng đắn?
Ta ngủ sớm, tập thể dục, đọc sách… để làm gì?
Có phải bởi vì đây là những phương pháp tìm sướng tránh khổ hiệu quả?
Có thể ta yêu kiến thức và ta cảm thấy ý nghĩa khi đạt được thêm nhiều kiến thức.
Có thể ta muốn phát triển bản thân, dùng những kiến thức kia để đạt những thứ khác.
Trong mọi trường hợp thì ta đều đang self-help.
Mọi suy nghĩ đều bắt đầu bằng niệm chấp ngã, đều phục vụ cho mục tiêu tìm sướng tránh khổ của cái ngã.
Ta tìm sướng tránh khổ trong từng suy nghĩ, hơi thở.
Con người không được sinh ra để thỏa mãn và hạnh phúc.
Yeah, có thể ta đã hoàn thiện bản thân khá tốt; có thể tốt đến mức ngày nào ta cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng và yêu đời; nhưng có phải ta phải luôn làm gì đó hoặc ở trong một môi trường cụ thể để duy trì nó?
Đời là game và mọi người đều đang nghiện 1 số thứ gì đó trong game, đều đang ‘si mê’ thứ gì đó, vật chất, tinh thần hay tâm linh.
Nghiện ở đây đơn giản là, nếu ta không có được thứ nào đó hay cảm giác nào đó, ta sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, không có được sự an lạc.
Ta lúc nào cũng muốn thứ gì đó, lúc nào cũng muốn trở nên tốt hơn, lúc nào cũng có vấn đề nào đó để giải quyết.
Đôi lúc khi cơn nghiện dâng cao, ta sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của người khác để thỏa mãn nó.
Nhân chi sơ tính bản thiện, cho đến khi cơn nghiện phát tác.
Bản chất của thực tại là vô thường, vô ngã, khổ.
‘Khổ’ từ gốc là dukkha, có thể được dịch là ‘không thỏa mãn’.
Khổ xảy ra khi ta không có thứ mà ta muốn, hay phải chịu thứ mà ta ghét; nói cách khác thì khổ là khi cơn nghiện của ta không được thỏa mãn.
Khi nói với 1 người đang hạnh phúc và thành công rằng ‘đời là bể khổ’, ai mà tin được.
Dịch ‘dukkha’ là ‘nghiện’, và nói ‘đời là bể nghiện’ thì dễ hiểu hơn, và cả người hạnh phúc hay chán đời đều có thể đồng ý về sự ‘nghiện’ này.
Để ‘đạt’ niết bàn thì ta phải nhìn ra được 3 đặc tính của thực tại, đó là vô thường, vô ngã, và khổ.
Không phải chỉ hiểu lý thuyết, mà thực sự nhìn thấy thực tại như thế trong từng sát na, từng khoảnh khắc.
Quán sự vô thường vô ngã thì có vẻ dễ, nhưng quán sự khổ thì hơi khó, nhất là lúc cơn nghiện đang được thỏa mãn.
Nếu như bạn đang làm tình hăng say, và có người đến bảo ‘ái tình nhục dục gây khổ đó bro, tham ái và vô minh dẫn bro chịu cảnh luân hồi vô lượng kiếp, dừng chịch và tu tập đi bro’, chắc bạn sẽ nghĩ ‘thằng này ngáo cmnr, phắn đi cho bố tiếp tục làm việc’, mình cũng thế.
Nhưng nếu người đó nói, ‘ngồi thiền phê hơn làm tình’, có lẽ bạn sẽ bị dụ, như mình đã bị dụ.
Mỗi khoảnh khắc trong hiện tại đều sống động, đặc biệt, duy nhất, không thể đem so sánh với bất cứ khoảnh khác nào khác.
Trải nghiệm chỉ có thể gây nghiện khi ta khái niệm hóa nó, biến nó thành 1 thực thể.
Thực thể này thật ra chỉ là vọng tưởng trong tâm trí, rồi ta theo đuổi, có gắng tạo ra 1 trải nghiệm tương tự nó: ‘đây là trải nghiệm thiền định’, ‘kia là trải nghiệm làm tình’, ‘mình thích cái này hơn cái kia’, ‘mình muốn có lại trải nghiệm đó’…
“Lửa mà mạnh, dân trông thấy mà sợ nên ít chết. Thế nước mềm, dân không đề phòng nên chết đuối nhiều”.
Những thứ gây nghiện với khoái lạc cao và phá người nhanh như ma túy đá thì mọi người dễ thấy, dễ sợ nên không hại được nhiều người.
Những thứ nhẹ trung bình như cờ bạc, rượu chè, quay tay thì hại được nhiều người hơn.
Và những thứ như thông tin rác trên social media hay mainstream media, tưởng vô hại nhưng có thể ngốn hàng giờ của ta nếu ta không đề phòng.
Và có những cái nghiện rất thanh tao, rất vi tế, như ‘phát triển bản thân’, ‘thu thập kiến thức’, ‘làm việc tốt giúp đời’, ‘tích đức’…
Yeah đúng là rất tốt, chơi game rất thỏa mãn, chơi hoài không chán… nhưng ta có biết toàn bộ đều là game và nhận thức được cái nghiện thanh tao đó?
‘Samsara’ thường được hiểu là ‘luân hồi’, cõi giới mà chúng ta đang sống; và ‘nirvana’ – ‘niết bàn’ thường được hiểu như nơi mà ta đến, sau khi thoát khỏi ‘samsara’.
Nhưng kinh sách Phật thời đầu thường hiểu ‘samsara’ theo nghĩa ‘wandering-on’, ‘lãng du’.
‘Samsara’ không phải là một danh từ chỉ nơi chốn, mà nó là một quá trình; giống như việc tạo ra game và chơi game.
Ta nghiện game, và ta cứ chơi hoài chơi hoài, hết game này tới game khác; game cho ta đủ mọi cảm giác lên xuống xuống lên, khoái lạc, đau khổ…
‘Nirvana’, hay ‘giải thoát’, đơn giản là dừng chơi game, dừng samsara-ing.
Đúng là Phật thường ví việc tu tập dừng ‘lãng du’ giống như hành động đi từ 1 nơi này đến 1 nơi khác: từ bờ bên này đến bờ bên kia.
Nhưng Phật thường kết sự so sánh này với 1 mâu thuẫn: bờ bên kia không có ‘ở đây’, không ‘ở kia’, hay ‘ở giữa’.
Từ góc nhìn đó, khá rõ ràng yếu tố không gian và thời gian của ‘lãng du’ không tồn tại trước khái niệm ‘lãng du’. Mà chúng là kết quả của việc ‘lãng du’ của ta.
Tóm lại là, ta đang nghiện game, ta không muốn dừng game, ta chỉ muốn tìm sướng tránh khổ.
Tất cả những mục tiêu mà ta đang hướng tới (xem lại danh sách ở đầu bài), đều là những thứ trong game.
Thoát game dễ thôi, dừng nhận dạng bản thân với nhân vật game, tháo kính VR ra.
Giác ngộ cũng dễ như thế, buông bỏ thân-tâm là xong.
Nhưng chúng ta không làm thế, chúng ta tạo ra khái niệm ‘giác ngộ’, ‘niết bàn’ và dùng thân-tâm để theo đuổi những khái niệm đó.
Ta tưởng ta đang sống ‘tỉnh thức’, đi tìm ‘chân lý’, nhưng thật ra ta vẫn đang mê, vẫn đang ‘lãng du’, vẫn đang đi tìm thứ gì đó hay trải nghiệm nào đó (và nó có thể là những thứ tốt đẹp như kiến thức, công đức, tình yêu…).
Có 1 khái niệm của Thiền tông cũng khá liên quan, gọi là Vô Môn Quan, the gateless gate.
Trước khi qua cổng thì ta thấy việc bước qua cánh cổng là bất khả thi, cố gắng thế nào cũng không qua được, khi qua rồi thì lại thấy chẳng có cái cổng nào.
Con đường này rõ ràng không phải là 1 con đường tự hủy (self-destruction), nhưng cũng không phải là 1 con đường phát triển bản thân (self-help, self-improvement).
Nó ở đây và ngay bây giờ, không thể quay đầu, không thể dừng lại, cũng không thể tiến tới.
It’s self-helpless, or selfless-help, bro.
Lợi ích rõ ràng nhất của việc cai nghiện là, ta có thể tập trung hơn để làm việc cần làm.
Ví dụ đơn giản là khi ta ngồi 1 mình làm việc, cơn nghiện [quay tay, người yêu, ma túy… whatever] không đến quấy nhiễu ta, thế là ta có thể tập trung hơn.
Ta bình an hơn khi không bị những cơn nghiện quấy nhiễu.
Khi nghiện thì ta cần những kích thích đến từ bên ngoài để thỏa mãn hay chạy trốn cơn nghiện.
Khi cai nghiện rồi thì ta tự do, bình an không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh.
Nhưng để hoàn toàn cai nghiện game, thì đến cuối cùng ta cũng không quan tâm đến việc ta có nghiện hay không nghiện, có bình an hay không bình an.
Ta hoàn toàn chấp nhận hiện tại.
Cái loop tìm sướng tránh khổ chấm dứt.
Sướng không tham, khổ không sợ.
Không có hy vọng, không có sợ hãi, hoàn toàn ‘quy phục’.
Samsara is nirvana.
Nhưng cai nghiện rồi thì làm gì?
Xin kết bằng 1 đoạn trong ‘Phật học tinh hoa’ của cụ Nguyễn Duy Cần:
Biết là huyễn hóa mà cũng cứ sống trong huyễn hóa như không có huyễn hóa.
Tuy không có thật một chúng sinh nào cả, vậy mà cũng hiện ‘thân như huyễn’ để mà độ ‘chúng sinh như huyễn’!
Tuy ‘phiền não tức bồ đề’ vậy mà cũng tu ‘hạnh như huyễn’ đặng đoạn trừ ‘phiền não như huyễn’!
Tuy không có một pháp môn nào có thật, mà cũng vẫn học ‘vô lượng pháp môn như huyễn’ để ‘hoằng pháp như huyễn’!
Phật và Chúng sinh là bình đẳng, vậy mà cũng vẫn ‘tu vô lượng kiếp như huyễn’ để ‘thành Phật đạo như huyễn’!
Tuy lòng không tham, mà vẫn bố thí, bụng không nhiễm mà vẫn trì giới!
Trí tâm tuy không loạn mà vẫn thiền định; tuy không mê mà cũng tu trí huệ bát nhã!
Tuy không cúng sinh mà cũng thành Phật, tuy là Chân như mà cũng hiện ra vô lượng cõi Trời hay Tịnh độ…
Tuy không mắc trong biển luân hồi… mà vẫn lặn hụp trong biển luân hồi… vào nước không ướt, vào lửa không nóng, tự do tự tại…”